1. Về kết quả thực hiện CBTT
năm 2018
a. Đối với các doanh nghiệp
phải thực hiện CBTT
Tính đến hết năm 2018, đã có 383/534 doanh nghiệp
(chưa bao gồm các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) (chiếm 71,67% số
doanh nghiệp) gửi
báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện CBTT trên Cổng thông tin doanh
nghiệp tại địa chỉ http://www.business.gov.vn.
(Phụ lục 1 kèm theo).
Trong số 151 doanh nghiệp
còn lại chưa thực hiện CBTT, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy
nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa
phương như: Bắc Giang, Cần Thơ, Đăk Nông, Đăk Lăk, Hà Nam, Hải Dương, Thái
Nguyên, Vĩnh Long. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn như TCT Công nghiệp Tàu thủy
Việt Nam, TCT Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, TCT Đầu tư và Phát triển
nhà và đô thị, các doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng … chưa gửi báo cáo đầy đủ đến Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để thực hiện CBTT theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Một số
công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam (02 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp),
TCT Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (4 doanh nghiệp), TCT Cà phê Việt Nam (5
doanh nghiệp), TCT Quản lý bay Việt Nam (1 doanh nghiệp) chưa thực hiện CBTT
theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
b. Đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh:
Tại Điều 7 Nghị định số
93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của
doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định: Trước ngày 20/6 hàng năm, doanh
nghiệp quốc phòng, an ninh phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty,
cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư các thông tin về tên gọi,
lịch sử hoạt động, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh
nghiệp…
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã
có quyết định công nhận doanh nghiệp quốc phòng an ninh đối với Tập đoàn Công
nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nhưng trong năm 2018 Bộ Quốc phòng và Tập
đoàn Viettel chưa thực hiện việc CBTT theo quy định nêu trên.
c. Đối với cơ quan đại diện
chủ sở hữu:
Điểm a Khoản 2 Điều 22 Nghị
định số 81/2015/NĐ-CP quy định “Cổng hoặc
trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải có chuyên
mục riêng về CBTT của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có
trách nhiệm đăng tải CBTT của doanh nghiệp đúng thời gian, bảo đảm các thông
tin công bố được tiếp cận dễ dàng và thuận tiện”.
Tính đến 31/12/2018, chỉ có 12/63
địa phương và 5/5 Tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về CBTT theo quy định
này (Phụ lục 2 kèm theo). Tại một số địa phương, mặc dù đã có chuyên mục riêng
về CBTT về hoạt động của DNNN nhưng số liệu cơ bản không được cập nhật đầy đủ,
đúng thời hạn theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, chỉ có một số địa
phương như Hà Tĩnh, Trà Vinh, Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc CBTT
hoạt động của DNNN, các loại báo cáo được cập nhật theo đúng thời hạn quy định.
Ngày 29/9/2018, Chính phủ
ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, sau
khi nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu của 19 Tập đoàn, TCT nhà nước từ
các Bộ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện việc thực hiện
CBTT của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, trên
trang thông tin điện tử của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (http://cmsc.gov.vn/)
vẫn chưa có nội dung về CBTT.
2. Về nội dung CBTT của DNNN
a. Khái quát chung:
Tính đến 31/12/2018, trong tổng số 9 loại báo cáo
phải thực hiện công bố theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP thì hầu hết
các doanh nghiệp chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ
công bố khoảng 5/9 loại báo cáo. Các nội dung phải CBTT như kế hoạch sản xuất
kinh doanh và đầu tư phát triển, báo cáo tài chính, báo cáo lương thưởng… trong
năm 2018 đã đạt tỷ lệ cao hơn so với năm 2016, 2017 (Phụ lục 3 kèm theo). Cụ thể
như sau:
- Công bố kế hoạch sản xuất
kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016-2020: Có 213 doanh nghiệp thực hiện
(chiếm 55,61% trong tổng số 383 doanh nghiệp đã báo cáo). (Trong
năm 2017 chỉ có 120 doanh nghiệp báo cáo nội dung này).
- Công bố kế hoạch sản xuất kinh
doanh và đầu tư phát triển năm 2018: Có 277 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 72,32%
trong tổng số 383 doanh nghiệp đã báo cáo).
- Công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba
(03) năm gần nhất tính đến năm báo cáo: Có 264 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 68,92% trong tổng số 383 doanh nghiệp đã báo cáo).
- Công bố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích
và trách nhiệm xã hội: Có 173 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 45,16% trong tổng số 383 doanh
nghiệp đã báo cáo).
- Công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:
Có 244 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 63,70% trong tổng số 383 doanh
nghiệp đã báo cáo).
- Công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức:
Có 282 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 73,62% trong tổng số 383 doanh nghiệp đã báo cáo).
- Công bố báo cáo tài chính năm 2017, 6 tháng 2018: có 323 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 84,33% trong tổng số 383 doanh
nghiệp đã báo cáo).
- Công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng: Có 292 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 76,24% trong tổng số 383 doanh
nghiệp đã báo cáo).
b.
Về nội dung CBTT của Tập đoàn kinh tế, TCT, doanh nghiệp lớn thuộc các Bộ, địa
phương (bao gồm cả các TCT thuộc Tập đoàn kinh tế):
- Tính đến 31/12/2018, có 55
doanh nghiệp là Tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước thuộc các Bộ, UBND các tỉnh,
thành phố thuộc trung ương đã thực hiện CBTT theo quy định tại Nghị định
81/2015/NĐ-CP. (Danh sách
cụ thể tại Phụ lục 4 kèm theo). Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời
hạn theo yêu cầu tại Nghị định này.
- Chỉ có 1/5 Tập đoàn kinh tế
(Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc CBTT theo
quy định (đã công bố 8/9 loại báo cáo đến
thời hạn công bố). Các Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2018 chỉ công bố 5,6 loại báo
cáo theo quy định.
- Về nội dung CBTT:
+ Công bố kế hoạch sản xuất
kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016-2020: 30/55 doanh nghiệp (tương ứng 54,54%)
thực hiện.
+ Công bố kế hoạch sản xuất
kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2018:
36/55 doanh nghiệp (tương ứng 65,45%) thực hiện.
+ Công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba
(03) năm gần nhất: 43/55 doanh nghiệp (tương ứng 78,18%) thực hiện.
+ Công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới 2017: 39/55
doanh nghiệp (tương
ứng 70,9%) thực hiện.
+ Công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức
2017: 40/55 doanh nghiệp (tương ứng 72,72%) thực hiện.
+ Công bố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích
và trách nhiệm xã hội năm 2017: 22/55 doanh nghiệp (tương ứng 40%) thực hiện.
+ Công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng 2017: 38/55
doanh nghiệp (tương
ứng 69,09%) thực hiện.
+ Công bố báo cáo tài chính 2017: 45/55 doanh nghiệp (tương ứng 81,81%) thực hiện.
Một số Tổng công ty lớn như:
Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Nam (thuộc Bộ
GTVT), Thăm dò và khai thác dầu khí (thuộc Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam), Dịch vụ viễn thông (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam), Vận
tải Hà Nội, Du lịch Hà Nội chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2017.
- Về chất lượng CBTT của một
số Tập đoàn kinh tế:
+ Về báo cáo Kế hoạch sản xuất
kinh doanh và đầu tư phát triển 2018: Về cơ bản, các Tập đoàn kinh tế đã xây dựng
báo cáo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2018 theo đúng mẫu
quy định tại Phụ lục số IV ban hành kèm theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Các
báo cáo cung cấp tương đối đầy đủ các chỉ tiêu như sản lượng, doanh thu, lợi
nhuận trước thuế dự kiến, nộp ngân sách…
+ Về báo cáo tài chính năm
2017: Theo các báo cáo tài chính năm 2017 do 5 Tập đoàn kinh tế gửi về Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để thực hiện CBTT, thì có 2 Tập đoàn kinh tế thuê công ty kiểm toán
quốc tế tại Việt Nam để thực hiện kiểm toán (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuê Deloitte), các Tập đoàn
kinh tế còn lại thuê công ty kiểm toán trong nước để thực hiện kiểm toán (Tập
đoàn Hoá chất Việt Nam thuê Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, Tập đoàn Công
nghiệp Cao su Việt Nam thuê Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam),
hoặc xây dựng báo cáo tài chính năm 2017 (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt
Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam ). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có
đủ cơ sở để đánh giá về tính công khai, minh bạch và khách quan trong việc đánh
giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của các Tập đoàn kinh
tế này.
+ Về báo cáo tiền lương, tiền
thưởng năm 2017: Có 3/6 Tập đoàn kinh tế chưa gửi báo cáo chế độ tiền lương, tiền
thưởng của doanh nghiệp năm 2017 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam).
3. Đánh giá chung
a.
Những kết quả đạt được:
- Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện
CBTT trong 3 năm thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP đã tăng đáng kể, trong
năm 2016, số lượng doanh nghiệp mới chỉ đạt khoảng 38%, năm 2017 khoảng hơn 44%
và năm 2018, tỷ lệ này đã đạt hơn 70% số doanh nghiệp thuộc đối tượng CBTT thực
hiện.
- Việc công bố công khai
thông tin hoạt động của DNNN đã tạo ra sự minh bạch và công bằng trong xã hội,
được dư luận, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đánh giá cao. Các báo cáo CBTT đã tạo điều kiện cải thiện
cho việc chia sẻ, minh bạch hóa thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, giữa doanh
nghiệp với cơ quan chủ sở hữu, giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước;
giúp dư luận và xã hội bước đầu có thể tiếp cận được các thông tin về hoạt động
sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
- Công khai CBTT của DNNN
giúp thuận lợi trong thực hiện giám sát hoạt động của các DNNN. Kết quả công bố công khai thông tin đã
bước đầu giúp các cơ quan nhà nước có công cụ hữu ích trong việc quản
lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn
lãng phí, thất thoát, tham ô...
b.
Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
- Tỷ lệ doanh nghiệp công
khai CBTT đã tăng theo từng năm, tuy nhiên vẫn có những bộ, địa phương, TCT
chưa thực hiện CBTT theo quy định. Đặc biệt, tại một số địa phương, hầu hết các
doanh nghiệp đều chưa thực hiện CBTT. Tại một số TCT là doanh nghiệp cấp 2 thuộc
các Tập đoàn, TCT nhà nước, việc CBTT chưa thực sự được chú trọng.
-
Thời gian thực hiện CBTT còn chậm so với quy định tại Nghị định số
81/2015/NĐ-CP. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện
hoặc một số nội dung CBTT phải báo cáo cơ quan chủ sở hữu phê duyệt hoặc chấp
thuận, nên thời gian CBTT quá hạn so với quy định.
- Việc thực hiện nhiệm vụ về CBTT của cơ quan đại diện
chủ sở hữu chưa đầy đủ theo quy định về CBTT tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Cụ
thể, nhiều Bộ/địa phương chưa xây dựng chuyên mục riêng về CBTT; chưa thực hiện
công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về việc thực hiện CBTT
của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
- Phần lớn các doanh nghiệp thuộc đối tượng CBTT chưa
thực hiện đầy đủ các quy định về CBTT như: chưa báo cáo đầy đủ các nội dung
theo quy định; chưa có trang thông tin điện tử cũng như chưa xây dựng chuyên mục
riêng về CBTT theo quy định…
Chi tiết báo cáo tình hình công bố thông tin năm 2018,
Doanh nghiệp có thể tham khảo tại đây:/Portals/0/BCTHCBTT 2018.pdf